THIỀN LÀ GÌ?


Thiền là nghệ thuật trưởng dưỡng tỉnh giác và tuệ giác. Nó có thể được áp dụng như một pháp môn thiết thực để xóa bỏ những khuôn mẫu cảm xúc tiêu cực phiền não, để phát triển những phẩm chất tích cực thiện lành như trí huệ và từ bi, và để tiếp cận bản thể của tâm là tỉnh giác thanh tịnh. Trong nhiều thế kỷ, thiền đã được giảng dạy và thực hành ở các tôn giáo trên khắp thế giới. Có hai hình thức thiền chính: tỉnh giác và tuệ giác. Thiền tỉnh giác [định] được áp dụng để làm an định tâm và cải thiện sự tập trung. Thay vì kéo chúng ta ra khỏi các yếu tố của cuộc sống hàng ngày, thiền tỉnh giác cho phép chúng ta trải nghiệm những gì chúng ta đang có trong khoảnh khắc hiện tại một cách trọn vẹn hơn, sử dụng mọi thứ mà chúng ta đối mặt với, bao gồm cả những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận, như một cách để củng cố và rộng mở tỉnh giác của chúng ta. Tỉnh giác rộng mở này mang lại một cảm giác an bình và tĩnh lặng bền vững, không phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài. Một số phương pháp thiền tỉnh giác phổ biến hơn bao gồm tập trung vào hoặc đếm hơi thở, chú ý đến một đối tượng trực quan như ngọn lửa, hoặc lặp lại âm thanh thiêng liêng hoặc lời cầu nguyện. Tỉnh giác cũng có thể được trưởng dưỡng bằng cách tập trung tâm vào những suy nghĩ, cảm xúc, hoặc thậm chí qua an trụ trong trạng thái hiện hữu rộng mở, hoàn toàn không tập trung vào bất cứ thứ gì. Tất cả các pháp môn này được thiết kế để giúp tĩnh tâm và tăng khả năng của thiền giả có thể hướng sự chú ý có ý thức vào một đối tượng nhất định. Một khi chúng ta đã an định tâm trong thiền tỉnh giác, sự chú ý có thể được hướng đến các hoạt động của tâm thức và thế giới tự nhiên. Việc quán sát qua trải nghiệm này cho phép chúng ta thấy cách suy nghĩ và cảm xúc hình thành nhận thức, cách những ý tưởng sai lầm của chúng ta tạo ra đau khổ, và bản tánh của chúng ta vốn thiện lành và thanh tịnh như thế nào. Kết quả của thiền tuệ là chúng ta có thể thấy mọi thứ đúng như thực, thay vì qua lăng kính méo mó của những ý tưởng và khái niệm đã định trước. Tuệ giác về bản thể của thực tại sẽ diệt trừ nguyên nhân của khổ đau và giúp chúng ta kết nối được với thiện căn của chính mình. Một số pháp môn thiền tuệ sử dụng lý trí để phân tích quán chiếu các trải nghiệm khác nhau nhằm khám phá thực tại căn bản của chúng.Chẳng hạn, một số pháp môn nhất định cho phép hành giả khám phá ra rằng mọi hiện tượng đều vô thường và không hề có đặc tính cố định nào. Các pháp môn thiền tuệ khác không sử dụng tư tưởng đối đãi để quán chiếu bản thể của thực tại. Thay vào đó, chúng dùng cách tiếp cận trực tiếp hơn, cho phép thiền giả trực tiếp trải nghiệm chân tánh tâm là sự tự sáng tỏ thường chiếu.